– Nhìn lại hành trình gần hai năm sang Mỹ, anh thấy mình đạt được những gì?
– Hiện cuộc sống của tôi đã vào guồng. Một tuần tôi đi học thêm tiếng Anh ba buổi, thứ bảy và chủ nhật đi hát, thời gian còn lại dành ôn bài, nghiên cứu về ẩm thực, tìm hiểu và lên kế hoạch để thực hiện mơ ước mở nhà hàng tại Mỹ. Mọi thứ sắp ổn rồi, có lẽ sang năm tôi khởi động dự án.
Hàn Thái Tú đang tận hưởng cuộc sống mới tại Mỹ.
– Anh gặp khó khăn ra sao khi thích nghi cuộc sống mới?
– Vô vàn khó khăn trong ngày đầu tôi đặt chân sang đây, dù trước đó tôi đã đi lại giữa Mỹ và Việt Nam hơn 8 năm trong những lần lưu diễn.
Đầu tiên là ngôn ngữ, tiếng Anh của tôi không tệ nhưng chưa đủ để sử dụng trong các tình huống liên quan thủ tục, giấy tờ. Khi vừa sang, tôi phải lập tức đi thi bằng lái xe bởi sống ở Mỹ mà không thể lái xe thì chẳng làm được việc gì cả. Nhưng chính bởi rào cản ngôn ngữ, tôi thi bằng lái tới ba lần mới đậu. Ở lần thi cuối, tôi thực hiện xong thì được giám thị khen tốt lắm bằng tiếng Anh. Vậy mà tôi nghe không ra, tưởng họ chê, nên nghĩ trong đầu: “Thôi xong rồi, lần này còn trượt nữa chắc chết!”. Thấy tôi ỉu xỉu, giám thị hỏi: “Bạn đậu rồi mà sao gương mặt buồn quá vậy”. Sau hồi giải thích tôi mới biết cuối cùng mình cũng có bằng lái xe.
Trong nhiều tình huống khác, tôi luôn phải có người đi kèm để hỗ trợ phiên dịch. Lúc đó tôi thấy hoặc là mình phải học giỏi tiếng Anh, hoặc là không bao giờ sống được ở xứ Mỹ. Cũng may tôi biết trước những điều đó nên không sốc mà chỉ thấy cuộc sống mới quá vất vả.
– Biết trước cuộc sống ở Mỹ nhiều vất vả, tại sao anh còn chọn rời Việt Nam sang đó định cư?
– Tôi muốn tìm kiếm cơ hội mới cho bản thân. Ở Việt Nam, tôi có những khán giả của riêng mình nhưng phải thú thực rằng rất khó để cạnh tranh với các bạn trẻ. Xu hướng nghe nhạc hiện tại cũng thay đổi nhiều, khán giả dễ dàng lên mạng giải trí chứ không bắt buộc phải đến sân khấu xem ca sĩ hát. Tôi cảm nhận sự biến động trong thị trường vài năm gần đây nên quyết định rẽ lối mới.
– Hiện tại, anh đã chuẩn bị được những gì cho cuộc sống ở xứ cờ hoa?
– Tôi chẳng có nhiều tiền để mua nhà, tậu xe khi sang Mỹ. May mắn là ở đó có nhiều hình thức thanh toán cho những người ít tiền lựa chọn, ví dụ thuê hoặc trả góp. Tôi đi diễn mỗi cuối tuần tại sân khấu của người Việt ở hải ngoại, thu nhập vừa đủ để trang trải cuộc sống. Số tiền tích cóp được trong nhiều năm đi hát tôi không động vào bởi phải dành để đầu tư mở nhà hàng.
– Anh kỳ vọng điều gì ở nước Mỹ?
– Tôi thích sự thực tế và rõ ràng của đất nước này. Cuộc sống ở đây khắc nghiệt nhưng nếu mình chăm chỉ làm việc thì sẽ ổn. Lúc ở Việt Nam, một mình tôi đi hát kiếm tiền lo cho 6 thành viên trong nhà. Có những giai đoạn rất khó khăn, dù tôi cố gắng vẫn không có giải pháp, nên rất áp lực. Tôi sang Mỹ và quyết tâm thực hiện những điều đã ấp ủ để mong mình và người thân cuộc sống tốt hơn.
Hàn Thái Tú dành thời gian cho đam mê ẩm thực bên cạnh việc đi hát và học tiếng Anh.
– Thay đổi môi trường sống đồng nghĩa phải thay đổi thói quen sinh hoạt, anh đã điều chỉnh những gì?
– Thời gian đầu tôi buồn bã vô cùng vì khi ở Việt Nam đi hát liên tục, còn tại đây chỉ cuối tuần mới có show. Ban ngày mọi người đi làm, tôi lủi thủi một mình và không biết làm gì cho hết thời gian. Chi tiêu ở Mỹ rất đắt đỏ, tôi phải cân nhắc món gì nên mua, món gì thôi trong khi trước đó mỗi lần đi lưu diễn, tôi shopping không phải nghĩ. Ngoài thời gian đi hát và học tiếng Anh, tôi cũng ít ra ngoài, chỉ thỉnh thoảng gặp gỡ một số anh em nghệ sĩ.
Mỗi lần khó khăn hoặc quá nhớ nhà, nhớ sân khấu, tôi lại nghĩ đến chuyện về nước. Nhưng gia đình và đồng nghiệp luôn nhắc nhở tôi về mục đích ban đầu lúc tôi qua đây. Vậy là tôi lại trấn an bản thân và cố gắng tiếp.
– Khi đứng hát trước khán giả hải ngoại và khán giả trong nước, cảm giác của anh khác nhau thế nào?
– Có thể nói tôi là ca sĩ thị trường, được biểu diễn ở nhiều sân khấu khác nhau, cả lớn và nhỏ. Lúc ở Việt Nam, tôi ấn tượng nhất những lần đi diễn tỉnh xa, đến những nơi heo hút mà tôi nghĩ sẽ không có khán giả, nhưng lúc bước ra sân khấu thấy cả mấy nghìn người đứng vỗ tay, reo hò. Làm nghề nghệ sĩ, khoảnh khắc ấy là hạnh phúc nhất.
Khán giả hải ngoại sống tha hương nên thiếu thốn món ăn tinh thần mang màu sắc Việt Nam. Vì vậy mà họ rất nhiệt tình với nghệ sĩ. Như ở Mỹ, hàng ngày khán giả đi làm, cuối tuần mua vé đi xem các chương trình giải trí của người Việt. Cách thể hiện tình cảm khác nhau nhưng tôi thấy khán giả ở đâu cũng yêu mến nghệ sĩ.
– Là một ca sĩ, tại sao anh không tập trung phát triển sự nghiệp ca hát mà muốn thử sức ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng?
– Tôi có niềm đam mê với ẩm thực từ lâu. Thời sinh viên, tôi đi làm bồi bàn và được truyền cảm hứng bếp núc từ đó. Sau này khi đi diễn, tôi có cơ hội thưởng thức nhiều đặc sản vùng miền nên thấy rất thú vị. Ở Việt Nam tôi từng được mời làm giám khảo nhiều cuộc thi nấu ăn hoặc tham gia ghi hình chương trình ẩm thực.
Mỹ là đất nước đa sắc tộc, văn hóa ẩm thực của họ cũng đa dạng. Tôi thấy người Mỹ thích đồ Á, đặc biệt các món ăn của Việt Nam. Đây là cơ hội cho tôi có thể kiếm tiền và thỏa mãn một đam mê khác ngoài ca hát. Nhưng mở một nhà hàng ở Mỹ không đơn giản nên tôi vẫn trong giai đoạn chuẩn bị.
Hàn Thái Tú trong tiệc sinh nhật ca sĩ Quang Dũng.
– Trong lúc Hàn Thái Tú ở Mỹ, ai giúp anh gánh vác vai trò trụ cột gia đình tại quê nhà?
– Ở nhà tôi còn mẹ và bà ngoại. Trước khi đi, tôi đã lo chu đáo mọi chuyện. Thực sự lúc sang đây rồi rất nhớ họ và thường xuyên điện thoại về để thăm hỏi sức khỏe và tâm sự. Tôi ở xa nhưng vẫn thường xuyên chu cấp cho người ở nhà. Sau này khi cuộc sống ổn định và kinh tế khấm khá, tôi sẽ suy nghĩ về việc đón cả gia đình sang đây đoàn tụ.
Theo Lam Trà (ngoisao.net)
Commentaires