Sau nhiều cuộc cãi vã với con, chị Trần Thị Thúy Hằng (41 tuổi, Hà Nội) phải từ bỏ kỳ vọng của bản thân và những suy nghĩ áp đặt lên con.
Từng là học sinh xuất sắc lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), chị Hằng luôn cho rằng việc học tốt tiếng Anh đem đến cuộc sống tốt hơn. Khi con gái đầu được 4 tuổi, chị đã dạy con học ngoại ngữ này.
Từ lớp 1 đến 5, chị không cho con gái học thêm mà chỉ học với mẹ. Con yêu thích tiếng Anh, sớm thích đọc sách và viết, nhận được nhiều học bổng giá trị và thường đạt những chứng chỉ quốc tế sớm hơn các bạn khoảng 3 năm. Kết quả đó khiến chị Hằng rất hạnh phúc, cho rằng mình đi đúng hướng.
Đến lớp 6, chị quyết định cho con tự luyện thi IELTS dưới sự trợ giúp của mẹ. Không phản đối nhưng trước những bài viết theo khuôn mẫu cho trước, những phần kiểm tra ngữ pháp, con từ đam mê tiếng Anh chuyển sang chán học.
“Tôi bắt đầu lo sợ sẽ mất đi kết quả mà mình dành cho con suốt 7-8 năm qua. Những cuộc cãi vã và nhiều câu chuyện giữa hai mẹ con diễn ra để tìm nguyên nhân”, chị Hằng kể lại tại tọa đàm Đi tìm phiên bản của chính con do Tổ chức giáo dục IEG tổ chức hôm 24/8.
Bà mẹ hai con cho biết đã suy nghĩ rất nhiều đến việc hai mẹ con có nên dừng việc học với nhau để tìm một người thầy tìm cảm hứng lại cho con không. Thế rồi, chị quyết định buông tay con một lần thay vì quá bao bọc, kèm cặp như trước. Chị bắt đầu lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn để hiểu những gì con muốn thay vì áp đặt những điều mình muốn và bắt con phải thực hiện.
Chị Thúy Hằng chia sẻ tại IEG Talk ngày 24/8. Ảnh: Thanh Hằng
Sau những thay đổi đó, con gái chị dần tìm lại cảm hứng học tập và trở nên yêu thích tiếng Anh hơn cả trước kia.
Chị Hằng kể vào hè năm lên lớp 7, con gái nói thích trở thành phóng viên đài truyền hình quốc tế. Nếu như trước đây, chị sẽ khuyên con không nên chọn hướng đi đó vì không phù hợp với tính cách và năng lực. Tuy nhiên, đã xác định không áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, chị kìm lại và giúp con xem xét lựa chọn bằng cách cho xem nhiều chương trình để hiểu công việc của phóng viên. Và rồi con quyết định không muốn làm nghề này nữa.
Một thời gian sau, cô bé lại nói muốn làm nhân viên dọn phòng khách sạn vì “công việc đó nhẹ nhàng lại được làm ở nơi sạch đẹp”. Thay vì vùng lên phản đối, chị dẫn con đi đến nhiều khách sạn, tham gia nhiều buổi trải nghiệm nghề nghiệp. Một lần nữa con gái lại thay đổi ước mơ.
Lần này, con quyết trở thành nhà giáo dục – công việc mà vợ chồng chị Hằng rất mong muốn con theo nhưng không dám bắt ép vì hễ nói tới là cô bé khẳng định không thích nghề này. Quyết định của con được đưa ra sau một lần được trải nghiệm làm “giáo viên”, truyền lại câu chuyện, kỹ năng của mình cho các em nhỏ trong câu lạc bộ tranh biện của trường.
Câu chuyện trên cho thấy nếu cứ bó buộc, bắt con ưu tiên việc học mà không cho trải nghiệm, chúng sẽ không thể tự tìm hướng đi tốt cho tương lai. Và chị Hằng cho rằng nếu không nhờ những thay đổi trong cách giáo dục con cái sau những cuộc cãi vã, chị có thể sẽ đánh mất đứa con của mình.
“Con sẽ không thay đổi nếu bố mẹ không thay đổi, không buông và đứng xa con một chút để chúng có cơ hội nói lên tiếng nói của chính mình”, bà mẹ 41 tuổi nói và cho biết sau nhiều biến cố giữa hai mẹ con, giờ chị như trút bỏ được hết áp lực đối với việc học hành của chúng, bỏ qua được những mong muốn, kỳ vọng của bản thân để thấu hiểu con, tạo ra được tình bạn sâu sắc giữ hai bên.
Bảo Ngọc (14 tuổi), cô con gái trong câu chuyện của chị Hằng, chia sẻ hạnh phúc khi mẹ nói chuyện với mình về những điều mình thích và không thích. Thay vì cứ phải học tiếng Anh, em được đọc sách trong quán cà phê, được đi bộ chụp hình, viết những điều mình thích thay vì những bài luận khuôn mẫu để luyện thi IELTS, TOEFL.
“Con cho rằng bố mẹ đôi khi chính là người phải thay đổi, đi ngược lại những định kiến, áp lực từ xã hội và người thân, vị thế và tiền tài danh vọng thì những đứa trẻ còn ở tuổi học sinh như con mới hạnh phúc”, Bảo Ngọc nói và cho rằng bố mẹ cần thay đổi vì con và cũng vì thế con sẽ thay đổi vì bố mẹ.
Tiếp xúc với hàng nghìn phụ huynh, học sinh, TS Nguyễn Chí Hiếu đồng tình với quan điểm bố mẹ cần thay đổi để giúp con thay đổi. Phụ huynh không thể dạy cho con thứ mà bản thân họ không có, không thể dạy con bớt nghiện Facebook khi vẫn cứ kề kề điện thoại ở bên, không thể dạy con đọc sách trong khi bố mẹ cũng không mở cuốn sách nào ra.
“Đôi khi việc tìm trường lớp tốt nhất cho con chưa chắc là cách giáo dục tốt. Phụ huynh nên nghĩ đến việc thay đổi để hiểu con mình, gắn kết được với con”, anh Hiếu nói.
Dương Tâm/Vnexpress
Comments