“Nhà” là một cái tên bình phàm nhưng ấm áp đến lạ. Từ khi chúng ta cất tiếng khóc nỉ non đầu tiên trên đời, tới khi bôn ba năm tháng đủ để bước vào cõi luân hồi, bất luận chúng ta gia tài bạc triệu, hay chỉ là kẻ không xu dính túi, cho dù ở nhà lầu xe hơi giữa chốn thành thị hay hang cùng núi hẻm, thì vẫn cần một ngôi nhà để về vào những lúc mệt mỏi.
Càng trưởng thành, chúng ta càng cảm thụ được nhiều loại tình cảm trên đời, trong đó có tình thân, tình yêu, tình bạn, tình nghĩa… Thế nhưng, không có một loại tình cảm nào có thể vượt qua tình cảm cha mẹ, là loại tình cảm duy nhất cao hơn cả núi, sâu hơn cả biển.
Như người ta thường nói: “Khi cha mẹ còn, nhà là nơi để về, nhưng cha mẹ đã ra đi, nhà chỉ là nơi để đến.” Đời sống cơm áo gạo tiền thường đẩy chúng ta rời xa cha mẹ, đôi khi cũng quên mất con đường về nhà, về nơi bình yên nhất trong đời, luôn sẵn sàng giang tay bao dung cho ta. Dù ngoài đời có nhiều giông bão đến mấy, khổ sở ra sao, chỉ cần được ở bên những người thân thương có công ơn sinh thành dưỡng dục, chúng ta lại chứa chan hạnh phúc bình dị và sống lại trong tình yêu chan chứa.
Chỉ cần cha mẹ còn sống, căn nhà nhỏ cũng có thể trở thành cảng tránh bão to lớn, đem lại cho chúng ta cảm giác an toàn mà không gì có thể thay thế được. Dù sau này đi tới phương trời nào, vượt núi qua sông, đất khách quê người, chỉ cần nghĩ tới cha mẹ ở nhà, chúng ta tự dưng sẽ có động lực tiếp tục phấn đấu. Dù sự nghiệp thành công hay thất bại thì về đến nhà, chúng ta cũng chỉ là những đứa con thơ, luôn được lo lắng và chăm lo.
Nhưng nếu đấng sinh thành yêu thương chúng ta nhất cũng không còn nữa, nửa đời sau sẽ phải đối mặt với những gì? Khi đói bụng, không người lo lắng. Khi đau ốm, không người chăm sóc. Khi vấp ngã, không người đỡ dậy. Khi mệt mỏi, không người chở che. Đối mặt với mọi gian nan thách thức của cuộc đời, chúng ta phải tự mình gánh gồng trên vai, trở thành một người hoàn toàn cô độc, không nơi dựa dẫm.
Tình yêu lớn nhất trên đời chỉ có tình mẹ cha. Họ vị tha, bảo vệ, giúp đỡ và chăm lo cho chúng ta vô điều kiện. Chính vì thế, khi họ còn ở đó, bạn sẽ luôn có một ngôi nhà để trở về. Ngôi nhà đó vĩnh viễn thuộc về bạn, là nơi căn nguyên, gốc rễ của bạn bám trụ, không gì có thể thay đổi.
Sau khi trưởng thành, rời xa họ để bước vào xã hội, chúng ta không ngừng đối mặt với hiện thực phũ phàng, buộc phải tự thay đổi mình để không ngừng thích nghi. Vào những lúc mệt mỏi và bất lực nhất, suy nghĩ của ai cũng chỉ muốn được về nhà! Có lẽ chỉ cần gặp mặt mẹ cha một lần, tất cả sẽ được giải tỏa, chúng ta sẽ lại tìm về được chốn an yên của tâm hồn.
Giống như lời thoại trong bộ phim Mắt Biếc, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một nhân vật đã nói: “Có 2 thứ đời người không được bỏ lỡ: Một là chuyến xe cuối cùng về nhà, hai là người thật lòng yêu thương ta.” Vừa hay, hành trình về nhà sẽ giúp ta đạt được cả hai điều đó, một mái ấm thực sự và cha mẹ đang ở đó chờ đợi.
Đúng là ở mỗi giai đoạn cuộc đời, chúng ta lại phải đối mặt với nhiều mối bận tâm hơn. Chúng ta có sự nghiệp, có bạn bè, có người yêu, rồi một ngày sẽ có gia đình riêng, có những người thân yêu khác nữa. Vì thế, tình cảm dành cho đấng sinh thành ngày một lùi xa về phía sau. Cứ mỗi lần rảnh rỗi, chúng ta lại tự nhủ: “À thì lần sau mình nhất định sẽ về quê”, “lần sau mình nhất định sẽ gọi điện hỏi thăm bố mẹ”… Rất nhiều cái “lần sau” rồi lại “lần sau nữa” chính vì luôn lầm tưởng, cha mẹ cũng còn rất nhiều thời gian giống như chính mình.
Số lần chúng ta còn có thể về chăm lo, săn sóc, ở bên những người thân yêu nhất đã có thể đếm được bằng đầu ngón tay. Vậy bạn còn đợi gì nữa?
Thế giới của chúng ta chứa đựng rất nhiều thứ, muôn màu muôn vẻ, rực rỡ sắc màu thanh xuân. Nhưng với người già, họ chỉ còn lại con cháu. Chẳng mấy ai có thể ở bên chăm lo cho đấng sinh thành của mình từng miếng ăn, giấc ngủ giống như cách họ đã làm khi chúng ta còn thơ bé. Để rồi đến khi ta nhận ra năm tháng vô tình, thời gian thấm thoát, bố mẹ đều đã già. Một ngày nào đó, họ cũng sẽ rời bỏ chúng ta mà đi. Đây là một thực tế không thể tránh khỏi. Phải tới thời điểm đó, chúng ta mới nhận ra ý nghĩa thực sự của câu nói: “Khi cha mẹ còn, nhà là nơi để về nhưng khi cha mẹ mất, bạn chỉ còn nơi để đến.”
Nơi nào có mẹ cha, nơi đó chính là ngọn hải đăng luôn soi sáng trái tim ta dù đang ở bất cứ nơi đâu. Nhưng khi cha mẹ đã khuất, ngọn hải đăng tắt đèn. Giữa vũ trụ rộng lớn, linh hồn chúng ta đã không còn tìm thấy một nguồn sáng nào có thể thay thế.
Đừng đợi đến ngày ấy mới hối hận vì thời gian thực sự còn lại chỉ có thể đong đếm trên từng đầu ngón tay. Khi đấng sinh thành vẫn còn ở nhà đợi bạn mỗi ngày, hãy dành cho họ nhiều thời gian hơn. Cùng nhau ăn một bữa cơm sum họp, cùng nhau chuyện trò tâm sự về những điều đã trải qua, cùng nhau chia sẻ tình yêu thương từ đáy lòng, nói cho họ biết mình đã trưởng thành và hạnh phúc nhường nào.
Lòng hiếu thảo muộn màng chính là tình cảm đau đớn nhất trong cuộc đời. Đừng để đến ngày cha mẹ mãi đi xa, chúng ta mới biết quan tâm tới họ, mới biết trân trọng vì những tình cảm chân thành, những kho báu tràn đầy yêu thương đã từng có được trong tay. Thu dọn đồ đạc, bắt một chuyến xe, về nhà thăm cha mẹ đi, ngay khi bạn còn có thể.
Phương Thúy
Theo Trí thức trẻ
Comments