Cách đây chưa lâu, người dân Việt Nam cũng như khách du lịch và truyền thông quốc tế đã được dịp “phát sốt” với thiết kế vô cùng ấn tượng của chiếc Cầu Vàng ở Bà Nà Hills. Khắp các diễn đàn mạng xã hội và các trang tin uy tín trên thế giới như BBC News, Archway, Design Boom, Street Art Globle, chiếc ảnh không hẹn mà gặp phủ sóng mọi khoảnh khắc.
Ảnh: world_discoverer_007
Ảnh: aerondrone
Được chính thức khánh thành vào tháng 6/2018, Cầu Vàng nằm ở độ cao 1.400m, dài gần 150m và gồm có 8 nhịp. Giữa khung cảnh nên thơ được bao phủ bởi màn sương mờ ảo, hình ảnh chiếc cầu vắt ngang như một dải lụa mềm mại trên đôi tay tiên tử khiến những du khách đến đây ngỡ mình lạc vào chốn bồng lai.
Ảnh: nyla.oreilly
Những tưởng bấy nhiêu điểm đặc biệt ấy đã khiến Cầu Vàng trở thành thứ “độc nhất vô nhị”; tuy nhiên, vừa mới đây, tại Trung Quốc, một chiếc cầu có hình dáng tương tự đã “mọc” lên và bắt đầu mở cửa chào đón công chúng tham quan vào ngày 17 tháng 8. Chiếc cầu mang tên Thái Hồng Tiên Thủ thuộc khu du lịch Cổ Khê Tinh Hà, huyện Vưu Khê, thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến. Cây cầu này cũng ngay lập tức nhận kỷ lục Guinness cho thiết kế “Điêu khắc tạo hình tay Phật lớn nhất thế giới”.
Cầu Thái Hồng Tiên Thủ nằm ở vùng khí hậu mát mẻ giữa núi Tiên Đình, lấy hình ảnh cầu vồng làm cấu tạo nghệ thuật, tổng chiều dài 99 mét. Bàn tay thần thiên nâng đỡ cầu vồng được gọi là Bạch Ngọc Tiên Thủ, cao 19 mét. Tổng chi phí xây dựng là 16 triệu NDT (khoảng 52,5 tỷ VND).
Theo mô tả, mùa hè ở đây cũng chỉ khoảng 26 độ C, ngay cả điểm thấp nhất của cây cầu cũng giăng sương mù mờ ảo. Càng bước lên cao thì lại càng bị bao phủ giữa mây trời – tạo cảm giác như “lạc vào tiên cảnh”. Tuy nhiên, hình ảnh cầu Thái Hồng Tiên Thủ cũng gắn với bàn tay Phật khổng lồ, hiện lên sừng sững giữa vùng đất sương mù mờ ảo khiến không ít người đã từng ghé qua Cầu Vàng ở Việt Nam cảm thấy có chút gì đó hao hao.
Ở thời điểm mới ra mắt, chiếc cầu đã ngay lập tức thu được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng xứ Trung. Ở một diễn biến khác, các điểm tương đồng trùng hợp giữa hai cây cầu ở Đà Nẵng, Việt Nam và Phúc Kiến, Trung Quốc đang trở thành đề tài để người dùng mạng bàn tán một cách sôi nổi.
(Nguồn: Sohu, Weibo)
ความคิดเห็น